Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 4/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 808.186 tấn lúa mì với trị giá đạt hơn 221 triệu USD, tăng 72,3% về lượng và tăng 68,2% về kim ngạch so với tháng 3/2024. Lũy kế 4 tháng đầu năm, nước ta nhập khẩu hơn 2,3 triệu tấn với trị giá hơn 638 triệu USD, tăng 38,9% về lượng và tăng 5,8% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá nhập khẩu đạt bình quân 277 USD/tấn, giảm 24% so với 4T/2024.
Xét về thị trường, Brazil hiện là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất của Việt Nam. Kết thúc tháng 4, sản lượng nhập khẩu từ thị trường này đạt 946.804 tấn, tương đương hơn 237 triệu USD, tăng mạnh 261% về lượng và tăng 147% về kim ngạch. Giá trung bình 250 USD/tấn, giảm 31%.
Úc là nhà cung cấp lớn thứ 2 với 493.428 tấn trong 4 tháng đầu năm, tương đương hơn 156 triệu USD, giảm 56% về lượng và giảm 60% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Giá trung bình 316 USD/tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, ông trùm lúa mì thứ 3 thế giới đang đẩy mạnh xuất khẩu lúa mì sang Việt Nam kể từ đầu năm đến nay. Từ đầu năm đến nay nước ta nhập khẩu từ Ukraine 285.875 tấn lúa mì với hơn 74 triệu USD, tăng mạnh 872% về lượng và tăng 658% về kim ngạch. Giá xuất khẩu cũng vô cùng hấp dẫn, cạnh tranh với Brazil ở mức 259 USD/tấn, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường thế giới, trước khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, Ukraine là nước xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm thế giới, chiếm 10% tổng nguồn cung. Ngoài ra, Ukraine là một trong ba nhà xuất khẩu lúa mạch, bắp, dầu hạt cải hàng đầu thế giới; là nước xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất (chiếm 46% lượng xuất khẩu toàn cầu).
Hiện tại, Nga sản xuất từ 75 triệu đến 85 triệu tấn lúa mì một năm, tương đương với từ 10 đến 12 % sản lương toàn cầu và 50% trong số đó là để xuất khẩu. Chỉ một mình nước Nga cung cấp hơn 1/5 lúa mì nuôi sống nhân loại và thu về hàng năm từ 10 đến 12 tỷ USD nhờ lúa mì.
Trong 2 năm qua, Nga may mắn có được thời tiết vô cùng thuận lợi cho nông nghiệp, nhất là diện tích trồng lúa mì lớn chưa từng có. Nguồn cung dồi dào đã giúp giá lúa mì của Nga được bán ra thế giới với giá rẻ hơn hẳn so với thị trường, làm đảo ngược sự leo thang giá ngũ cốc vào giai đoạn trước mùa xuân năm 2022.
Tuy nhiên thuận lợi của Nga lại là khủng hoảng đối với nông dân ở các nước châu Âu như Ba Lan. Loạt thương nhân và nhà phân tích cho biết các nhà xuất khẩu lúa mì của Liên minh châu Âu phải đối mặt với vụ mùa kết thúc chậm chạp, đông đúc do xuất khẩu kỷ lục của Nga khiến lúa mì châu Âu phụ thuộc vào doanh số bán sang Maroc và Trung Quốc.
Tại thị trường Việt Nam, nước ta gần như không trồng được lúa mì, bởi vậy mỗi năm nước ta chi hàng tỷ USD để nhập khẩu. Trong năm 2023, nước ta chi hơn 97 triệu USD nhập khẩu lúa mì từ Canada với 252.803 tấn, tăng mạnh 1.372% về lượng và tăng 1.142% về trị giá so với năm 2022.
Hội đồng Ngũ cốc Quốc tế (IGC), bao gồm các quốc gia sản xuất và nhập khẩu lúa mì lớn, dự báo sản lượng lúa mì toàn cầu trong vụ mùa 2023-2024 đạt 784 triệu tấn, giảm 2,4% so với vụ mùa trước đó.
Như Quỳnh
Để lại một phản hồi