“Bỏng tay” với giá tiêu

Bật tăng đến 50.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6, sau đó điều chỉnh giảm sốc, giá tiêu khiến không ít người trồng, doanh nghiệp và giới đầu cơ mất ngủ.

Giá tiêu điều chỉnh rất mạnh

Giá tiêu ngày 1/6 trong khoảng 130.000 – 131.000 đồng/kg, nhưng đến ngày 13/6 doanh nghiệp và người trồng tiêu ghi nhận mức giá tiêu ở mức cao nhất trong vòng hơn 8 năm qua khi leo lên con số hơn 180.000 đồng/kg, tức là tăng đến 50.000 đồng/kg so với thời điểm đầu tháng 6/2024.

Tuy nhiên, chỉ sau đó 1 ngày (ngày 14/6), giá tiêu điều chỉnh giảm đến 20.000 đồng/kg, xuống mức khoảng 160.000 – 162.000 đồng/kg.

Mức điều chỉnh giảm lại tiếp tục được ghi nhận trong suốt những ngày tiếp theo, xuống quanh mức 157.000 – 160.000 đồng/kg. Đáng chú ý, ngày 26/6, giá hồ tiêu tại khu vực Đông Nam Bộ giảm mạnh xuống mức 145.000 đồng/kg. Cụ thể, giá tiêu tại Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Bình Phước được thu mua ở mức 145.000 – 146.000 đồng/kg.

Sau mức tụt sâu này, giá hồ tiêu tại một số địa phương đã điều chỉnh tăng nhẹ, ghi nhận ngày cuối cùng của tháng (30/6), giá hồ tiêu nằm trong khoảng 153.000 – 157.000 đồng/kg.

Trên khắp các diễn đàn hồ tiêu, sự biến động của giá hồ tiêu trong thời gian qua được các chuyên gia nhận định do có ‘bàn tay’ vô hình tác động khiến giá giảm.

Có một nghịch lý là khi giá hồ tiêu lên mức 180.000 đồng/kg nhiều bà con trồng tiêu vẫn không chịu xả hàng mà mong ngóng giá tiêu còn lên nữa. Nhưng khi giá hồ tiêu tụt xuống mức 145.000 đồng/kg, nhiều bà con lại lo ngại đẩy tiêu ra thị trường.

Tính chung, trong cả tháng 6/2024, giá tiêu tăng trung bình 23.000 – 27.000 đồng/kg. Dù trong tháng, thị trường có 2 lần điều chỉnh giảm mạnh nhưng vẫn kết thúc quý II/2024 với mức giá vượt kỳ vọng của người nông dân.

Trước đó, tháng 5/2024, giá tiêu trong nước tăng mạnh, thêm trung bình 33.000 đồng/kg. Còn tháng 4/2024, giá tiêu nội địa tăng 5.000 đồng/kg. Hiện, nguồn cung thấp, nông dân giữ tiêu khiến các thương lái, doanh nghiệp có lúc tăng mạnh để thu mua rồi lại giảm sâu để đầu cơ. Các đại lý giữ hàng của nông dân, giờ quay sang ép giá để buộc nông dân sớm chốt hàng.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPPA), nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá hồ tiêu tăng “nóng” trong thời gian qua. Mặt khác, trong tháng 6 này, nguồn cung hồ tiêu toàn cầu vẫn phụ thuộc vào lượng hàng từ Việt Nam trong khi vụ mùa các nước khác chưa vào thu hoạch. Điều này giúp giá tiêu Việt Nam duy trì đà tăng tốt qua từng tháng của quý II/2024. Ngoài ra, không thể kế đến hoạt động đầu cơ đẩy giá lên cao thời gian qua.

Dự báo, đà tăng của giá hồ tiêu sẽ chậm lại, tuy nhiên vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nguồn cung hạn chế, nhu cầu tăng. Tại các nước sản xuất hồ tiêu lớn như Brazil, Indonesia và Việt Nam dự báo sản lượng vụ mùa năm nay sẽ giảm. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích trồng hồ tiêu của Việt Nam năm 2023 đạt 120.000 ha, sản lượng 190.000 tấn. Ước tính sản lượng hồ tiêu năm 2024 tiếp tục giảm xuống còn 170.000 tấn, mức thấp nhất 5 năm gần đây.

HẠT TIÊU PHÚ QUỐC – QUÀ TẶNG TỪ THIÊN NHIÊN

Các chuyên gia khuyên rằng, trong trung và dài hạn, đà tăng của giá tiêu Việt Nam là rõ, tuy nhiên thị trường đang bị chi phối nhiều bởi hoạt động đầu cơ, cho nên bà con nông dân còn trữ tiêu nên cân nhắc, thận trọng bán ra khi cần, tránh bán theo tin đồn.

Vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn

Giá hồ tiêu tăng khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thu mua để trả đơn hàng xuất khẩu đã ký kết trước đó. Bên cạnh đó, hiện còn tình trạng khó khăn trong vận tải khi nhiều container nằm tồn đọng ở cảng không đi được, một phần do các tàu chạy về phía Trung Quốc để tập trung xuất khẩu hàng đi Mỹ trước ngày 1/8, nhằm tránh bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, dẫn đến tình trạng tắc nghẽn ở các cảng Singapore, Trung Quốc làm nhiều nơi thiếu tàu, đẩy giá cước lên cao. Ngoài ra xung đột tại Biển Đỏ cũng khiến tình hình vận tải thêm khó khăn.

Các doanh nghiệp xuất khẩu nhận xét, tình hình vận chuyển tàu biển đi các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam đang rất căng thẳng. Nghiêm trọng nhất là tuyến tàu sang châu Âu, cước vừa đắt vừa không có chỗ. Hiện giá cước đã cao hơn đến 60 – 70% so với đầu năm.

Mức cước cao đẩy giá hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh trong tháng này. Dù lượng xuất khẩu so với cùng kỳ giảm đi, nhưng trị giá lại tăng mạnh, giúp cho mục tiêu xuất khẩu tỷ USD của ngành hàng hồ tiêu nhiều khả năng đạt được trong năm nay. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, lợi nhuận ròng mà họ thu được là không nhiều.

Giá tiêu tăng nóng từ đầu năm đem lại niềm vui cho người dân trồng tiêu, nhưng lại khiến nhiều đại lý đứng trước nguy cơ thua lỗ nặng. Bởi thông thường cứ vào đầu mùa tiêu, sau khi thu hoạch, người dân sẽ thường đem tiêu đi ký gửi cho các đại lý thu mua với tâm lý là nếu tự trữ tiêu thì sẽ bị hao hụt khối lượng. Và khi nào cần tiền, họ sẽ ra đại lý để chốt bán và thu tiền về. Trong khi đó, các đại lý thu mua giữ hàng cho nông dân thường tận dụng lượng tiêu ký gửi để tạo ra dòng tiền khác.

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước

Ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco) – thông tin, việc giá hồ tiêu tăng mạnh thời gian qua khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Vừa qua, Chính phủ và các hiệp hội định vị Việt Nam sẽ trở thành bếp ăn của thế giới. Theo đó, Việt Nam trở thành một nước sản xuất hàng tiêu dùng, hàng đóng bao, đóng lọ cho người tiêu dùng có thể sử dụng luôn; thay vì xuất thô như trước đây. Do đó, khi tập trung vào câu chuyện chế biến, chúng ta có thể nhập khẩu hàng nguyên liệu thô từ nước khác để làm hàng tiêu dùng, khi nguồn cung trong nước chưa đủ đáp ứng.

Để tạo dựng được một thị trường hồ tiêu lành mạnh và hiệu quả, ông Lê Đức Huy cho rằng, điều quan trọng là các thành phần tham gia thị trường (kể cả nông dân) cần giảm tư duy đầu cơ. Với người sản xuất thì cần cung ứng sản phẩm ra thị trường, chỉ giữ lại một phần. Tránh tình trạng, người sản xuất lại đi vay mượn để đi đầu cơ, găm hàng. Điều này trái với quy luật thị trường.

Với doanh nghiệp trung gian, họ nên làm tốt vai trò của mình là người kết nối, lưu thông, tránh đầu cơ trục lợi. Khi người dân cần tiền thì mua được giá tốt, còn khi doanh nghiệp xuất khẩu cần hàng thì cung ứng được đầy đủ. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần làm tốt vai trò hài hoà lợi ích của các bên, không ép giá ai cả. Dù vậy, ông Lê Đức Huy cho rằng, việc này là không dễ. Bởi thị trường có nhiều doanh nghiệp tham gia trong chuỗi cung ứng. Mỗi doanh nghiệp lại có một tư duy và chiến lược khác nhau và họ luôn tin là mình đúng.

Và thị trường hồ tiêu sẽ vẫn phải đối mặt với những diễn biến bất ngờ khi nguồn cung hồ tiêu vẫn đang đối diện với sự thiếu hụt.

Nguyễn Hạnh

https://congthuong.vn/bong-tay-voi-gia-tieu-329287.html

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*