Văn hóa cà phê Việt

Cây cà phê được đưa đến Việt Nam từ những năm 50, 60 thế kỷ XIX thông qua các nhà truyền giáo đến từ Pháp. Đầu tiên là Arabica, tiếp đó là hai giống cà phê khác gồm Robusta và Exelsa vào năm 1908. Người Pháp đã trồng nhiều giống cà phê khác nhau trên mảnh đất Tây Nguyên. Nơi đây có địa hình đồi núi, độ cao khoảng 600m so với mực nước biển, có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô, đất đỏ bazan màu mỡ …

Bấy giờ, trong mắt người Việt, cà phê vẫn là thứ thức uống lạ lẫm và xa xỉ mà chỉ người Pháp mới được dùng. Nhưng nhờ khí hậu và đất đai phù hợp, cây cà phê sinh trưởng tốt và phát triển rất nhanh đã được trồng rộng rãi và phổ biến hơn ở nước ta. Nhờ vậy mà thói quen uống cà phê cũng dần hình thành trong cộng động người Việt. Năm tháng trôi đi, thứ đồ uống vừa đắng vừa thơm này đã khiến người Việt hết sức say mê.

Dù có xuất xứ từ phương Tây nhưng cà phê khi du nhập vào Việt Nam đã được thổi vào linh hồn rất riêng nhờ cách pha chế và thưởng thức. Và hơn cả một loại thức uống, cà phê đã trở thành thú vui tao nhã, một nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của người Việt.

Cà Phê Việt hầu như được pha theo phong cách Pháp, tức là dùng phin. Người ta rót nước sôi vào phin xong ngồi chờ cà phê nở ra ngấm nước rồi chắt lọc từng giọt, thích thú và hồi hộp chờ từng giọt cà phê nhỏ xuống ly. Bên ly cà phê nhỏ giọt, người ta như sống chậm lại, tĩnh tâm hơn, trầm ngâm, gợi lên những nỗi vui buồn, những kỷ niệm. Để giữ cho ly cà phê luôn nóng hổi, người ta thường ngâm chiếc ly của mình trong một cái chén (bát) nước nóng.

Ngày nay, cà phê phin vẫn tồn tại như một linh hồn đẹp đẽ hiện diện mỗi ngày. Hình ảnh ly cà phê phin gắn liền với chiều dài lịch sử văn hóa cà phê của người dân Việt Nam; Một nét đặc trưng riêng, bản sắc văn hoá riêng của người Việt Nam. Cà phê phin không chỉ là một phong cách thưởng thức, mà còn là nét văn hóa ăn sâu vào tiềm thức nhiều người.

Cà phê phin

Ở Miền Nam còn có cách thưởng thức cà phê rất độc đáo khác, cách thưởng thức này có nguồn gốc từ người Hoa. Người ta để cà phê vào túi vải mỏng được làm như một chiếc vợt nhỏ rồi cho vào ấm bằng đất nung, chế nước sôi vào như pha trà. Khoảng mươi phút, cà phê trong ấm đất được cho sang một chiếc ấm nhôm và để đun trên bếp than trước khi rót cho khách. Cách pha cà phê này được người dân Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ gọi là pha cà phê vợt. Tiếc thay, ngày nay cách pha cà phê vợt như thế hầu như không còn phổ biến, bạn chỉ có thể tìm thấy cách pha độc đáo này ở một số quán cà phê theo phong cách “hoài cổ” ở thành phố Hồ Chí Minh. Song, không gian thưởng thức cà phê vợt đã thay đổi nên hương vị cà phê cũng không còn được trọn vẹn như xưa.

Cà phê vợt

Văn hóa cà phê ở Việt Nam có những đặc trưng riêng qua các vùng miền. Điều này xuất phát từ thời tiết và văn hóa đặc thù của từng khu vực. Cách uống cà phê ở Hà Nội – miền Bắc, Sài Gòn – miền Nam và miền Trung đều có những đặc điểm riêng:

Ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, người dân thường ưa chuộng cà phê đen đậm đặc được pha bằng phin. Đây là một phương pháp truyền thống và mang đậm hương vị đặc trưng.

Người miền Nam, đặc biệt là người Sài Gòn, thường ít thích uống cà phê đen đậm đặc. Thay vào đó, cách pha cà phê của người miền Nam thường loãng, ít đắng hơn so với cà phê của người miền Bắc. Họ thường pha cà phê với một chút sữa, được gọi là bạc xỉu hoặc cà phê sữa đá. Loại thức uống này có ít cà phê hơn và nhiều sữa hơn, tạo nên một hương vị ngọt ngào, dễ uống.

Khu vực miền Trung là sự kết hợp giữa phong cách cà phê của miền Bắc và miền Nam. Ở miền Trung, bạn có thể dễ dàng tìm thấy cả cà phê đen và cà phê sữa đá. Cà phê của người miền Trung có vị đắng vừa phải và vị ngọt dễ chịu. Một số người thích uống cà phê phin nhỏ giọt, trong khi người khác lại ưa thích cà phê bột pha sẵn. Điều này tạo nên một sự đa dạng về cách thưởng thức cà phê ở miền Trung.

Cà phê Vỉa hè thập niên 1990

Dường như ly cà phê có một sức mạnh thần bí nào đó bởi bất kỳ ai khi đang ngồi trước ly Cà Phê đều trở nên hiền lành, dễ mến và hướng thiện. Người ta thường quên đi tuổi tác, địa vị, cũng như những lo toan trong cuộc sống khi trước mặt là một ly Cà Phê nóng hổi và thơm phức. Đó thực sự là triết lý và sức mạnh của Cà Phê.

Quán cà phê theo phong cách “hoài cổ”

Vào đầu những năm 2000, mô hình kinh doanh cà phê bắt đầu thay đổi. Những quán cà phê cóc không còn nắm giữ vị trí hàng đầu, mà để nhường chỗ cho các mô hình cà phê mới. Trong số đó, cà phê di động (take away) đã trở thành một hình thức cải tiến của cà phê cóc. 

Ngày nay, người ta dần trở nên ưa thích những quán cà phê có dịch vụ wifi, âm nhạc và đầu tư nhiều hơn vào không gian của quán. Mô hình quán cà phê cũng ngày càng đa dạng, bao gồm cà phê sách, cà phê thú cưng, cà phê văn phòng và nhiều hơn nữa. Cà phê Việt bây giờ đã có thêm nhiều công thức pha chế mới, chứ không chỉ đơn giản là cà phê đen hay cà phê sữa đá như ngày xưa. Nhiều loại cà phê nổi tiếng thế giới du nhập vào Việt Nam như Espresso, Cappuchino, Latte,…

Người Việt đang thay đổi cách tiếp cận với văn hóa cà phê, không chỉ ngồi một lúc để thưởng thức cà phê mà còn để tận hưởng không gian trong quán. Thậm chí, khẩu vị của cà phê cũng đã thay đổi khi mọi người có nhu cầu cao hơn về kỹ thuật pha cà phê. Một ly cà phê không chỉ ngon về hương vị mà còn phải có vẻ đẹp về hình thức. Văn hóa cà phê người Việt hiện nay đã thay đổi, trở thành văn hóa thưởng thức kết hợp giữa giác quan vị giác và thị giác.

Không ai biết được từ lúc nào cà phê lại khiến con người ta đam mê đến thế. Đây thực sự là món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Loại đồ uống có màu đen, vị đắng nhưng thơm ngát ấy làm con người ta tỉnh táo hơn, hướng thiện hơn và gắn kết với nhau chặt chẽ hơn …

Dù thế giới có thay đổi ra sao và văn hóa thưởng thức cà phê có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì cà phê vẫn trường tồn và là một phần tất yếu trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người Việt Nam.

Lê Minh

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*