Thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ca cao nghiêm trọng nhất trong hơn 60 năm …
Giá ca cao trên thị trường thế giới tăng dữ dội trong những phiên giao dịch gần đây, vượt qua mốc 10.000 USD/tấn lần đầu tiên trong lịch sử vào phiên ngày 26/3. Giới chuyên gia dự báo, người tiêu dùng sẽ sớm cảm nhận rõ sự tăng giá này, trong bối cảnh thế giới đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung ca cao nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ.
Giá ca cao giao tháng 5 trên sàn ICE ở Mỹ kết thúc phiên với mức tăng 3,9%, đạt kỷ lục 10.030 USD/tấn. Từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng này đã tăng gần 138%. Theo hãng tin CNBC, điều kiện thời tiết khó khăn và dịch bệnh đã ảnh hưởng đến sản xuất ca cao ở Tây Phi – khu vực chiếm khoảng 70% sản lượng ca cao trên thế giới. Hai nước sản xuất ca cao lớn nhất là Bờ Biển Ngà và Ghana gần đây đã bị ảnh hưởng bởi mưa lớn, nắng nóng và dịch bệnh.
Một cáo hồi tháng 11 của Tổ chức Ca cao Quốc tế (ICCO) cho biết vào cuối năm ngoái, mưa lớn và sự lây lan của bệnh đốm đen trên quả ca cao ở hai nước nói trên đã ảnh hưởng đến sản lượng ca cao. Báo cáo này nói rằng điều kiện đường sá kém cũng gây khó khăn cho việc vận chuyển ca cao đến các hải cảng. “Vì hai quốc gia sản xuất hàng đầu này cung cấp khoảng 2/3 lượng hạt ca cao toàn cầu, nên bất kỳ thay đổi nào trong sản lượng của họ đều có xu hướng tác động đáng kể đến thị trường ca cao”, báo cáo viết.
Theo báo cáo tháng 2 của ICCO, lượng ca cao được vận chuyển đến các hải cảng ở Bờ Biển Ngà và Ghana đã giảm lần lượt 28% và 35% kể từ đầu mùa nếu so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng Hershey của Mỹ – một trong những nhà sản xuất chocolate lớn nhất thế giới – đưa ra dự báo lợi nhuận đi ngang trong năm nay do giá ca cao tăng. Công ty báo cáo lợi nhuận ròng quý 4/2023 là 349 triệu USD, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm trước. Giá cổ phiếu của Hershey đã giảm khoảng 22% trong 12 tháng qua.
Tháng trước, CEO Michele Buck của Hershey nói với CNBC rằng công ty có chiến lược phòng ngừa rủi ro để quản lý sự biến động giá cả. Hiệp hội Các nhà sản xuất bánh kẹo Quốc gia Mỹ cho biết ngành này đang làm việc với các nhà bán lẻ để “quản lý chi phí” và giữ giá chocolate ở mức phải chăng cho người tiêu dùng.
Ông Paul Joules, nhà phân tích hàng hóa tại công ty Rabobank, cho biết các công ty chocolate lớn đã phòng ngừa rủi ro tốt vào năm ngoái và không phải ngay lập tức đẩy phần chi phí gia tăng sang người tiêu dùng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng các công ty này không thể làm thêm gì nhiều để hấp thụ phí.
Theo ông Joules, thế giới đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung ca cao nghiêm trọng nhất trong hơn 60 năm và người tiêu dùng có thể bắt đầu cảm thấy tác động vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2025. ICCO dự báo nguồn cung thiếu hụt 374.000 tấn cho niên vụ 2023-24, tăng 405% so với mức thâm hụt 74.000 tấn trong niên vụ trước.
“Điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến”, ông Joules nói và cho biết, giá ca cao có thể sẽ vẫn tăng cao trong một thời gian nữa vì không có giải pháp dễ dàng nào đối với các vấn đề mang tính hệ thống mà thị trường đang phải đối mặt.
Ông cho biết ngày càng có nhiều nông dân ở Bờ Biển Ngà ngừng sản xuất ca cao để chuyển sang trồng các loại cây sinh lợi hơn như cao su. Nhà phân tích này nói rằng chính phủ hai nước Ghana và Bờ Biển Ngà đã ấn định mức giá ca cao cố định cho nông dân vào đầu mùa nên nông dân không được hưởng lợi từ đợt tăng giá hiện tại.
Cũng theo ông Joules, sự tăng giá ca cao gần đây có thể là do sự hoảng loạn của một số nhà thu mua thương mại thay vì do hoạt động đầu cơ trên thị trường. Ông nói rằng người mua nhìn thấy mức độ thâm hụt nguồn cung nghiêm trọng và đang cố gắng đảm bảo lượng ca cao dự trữ.
Các nhà đầu tư đóng góp một phần nguyên nhân dẫn tới sự tăng giá của ca cao vào cuối năm ngoái, khi họ đặt cược vào sự tăng giá của nông sản này – theo ông Joules. Nhưng năm nay, nhiều nhà đầu cơ đã đóng trạng thái đầu cơ giá lên ca cao để hiện thực hoá lợi nhuận.
Điệp Vũ (https://vneconomy.vn/dieu-gi-khien-gia-ca-cao-tang-bung-no.htm)
Để lại một phản hồi