Tre là một trong những loại cây mà Việt Nam có sản lượng và diện tích trồng đứng Top đầu của thế giới. Theo thống kê đến năm 2022, tổng trữ lượng tre của cả nước ước tính đạt 6,5 tỷ cây với diện tích gần 1,6 triệu ha, hàng năm khai thác 500 – 600 triệu cây (tương đương khoảng 2,5-3,0 triệu tấn), cho giá trị xuất khẩu từ 300 – 400 triệu USD/năm và được trồng khắp 37 tỉnh thành trên cả nước.
Việt Nam hiện đứng thứ 4 trên thế giới về diện tích trồng tre. Theo thống kê từ những năm 2000, nước ta có hơn 70 loài tre được tìm thấy trên khắp lãnh thổ. Đến năm 2005 thì phát hiện hơn 190 loại của 26 chi tre trúc tại Việt Nam. Phần nhiều các loại tre này chưa được đặt tên. Theo nhận định của những nhà nghiên cứu khoa học: có 55 loại tre gai, trong đó có 31 loài chưa được đặt tên. 21 loài chi luồng, 16 loài chi le và 11 loài chi vầu.
Cây tre được gọi là sản vật bạc tỷ là bởi những giá trị kinh tế mà loài cây này mang lại. Thân cây tre được sử dụng để làm các sản phẩm xuất khẩu như chiếu, đũa, gỗ ép, nguyên liệu giấy. Theo Tổng cục Hải quan, 11 tháng đầu năm, xuất khẩu nhóm sản phẩm từ mây, tre, cói và thảm đã thu về hơn 661 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang các thị trường Nhật, Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc,…
Chưa dừng lại ở đó, lá tre cũng đang mang lại nguồn giá trị xuất khẩu cao. Cụ thể xuất khẩu lá tre trong tháng 10/2023 đã mang về 176.000 USD, tính chung 10 tháng năm 2023, xuất khẩu lá tre đạt 1,308 triệu USD , giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với hơn 31 tỷ đồng.
Lá tre sẽ được người dân thu hái, sau đó bán cho các cơ sở thu mua. Trung bình, lá tre tươi được thu mua với giá 7.000 – 10.000 đồng/kg. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong năm 2022, lá tre xuất khẩu mang về 2 triệu USD (tương đương 49 tỷ đồng).
Tại các trang thương mại điện tử ở nước ngoài, lá tre được bán với giá cao rất nhiều lần so với tại Việt Nam. Trên một số sàn thương mại điện tử nước ngoài như Alibaba, có thời điểm, lá tre của Việt Nam được bán lẻ với giá từ 7-10 USD/kg, tức lên tới hơn 240.000 đồng/kg.
Măng từ cây tre cũng là một trong những đặc sản không còn xa lạ gì với người dân Việt Nam, thường được chế biến ở dạng khô hoặc tươi. Kể từ cuối năm 2021, Việt Nam đã xuất khẩu măng tươi sang Hà Lan và hiện các sản phẩm từ măng đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đan Mạch…
Trên thế giới, hiện nay Trung Quốc là quốc gia trồng cây tre lớn nhất thế giới. Hiện diện tích rừng tre của Trung Quốc đạt 7,01 triệu ha, chiếm 51% trong tổng số diện tích rừng tre với 1.642 loài tre của thế giới – hơn nữa nước này cũng có thể mở rộng thêm năng lực sản xuất.
Tính đến hết năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm từ tre của Trung Quốc đạt gần 320 tỷ Nhân dân tệ, chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các sản phẩm tre toàn cầu là 2,2 tỷ USD.
Việt Nam sở hữu khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa, rất phù hợp để tre sinh trường và phát triển. Cây tre được phân bố rộng rãi trên diện rộng, từ đồi núi đến đồng bằng. Theo đặc tính đặc trưng, tre có khả năng phát triển và tái sinh rất tốt ngay ở vùng đất cằn cỗi mà không cần đến sự chăm bón. Vì vậy việc duy trì sự phát triển của cây tre ngàn đời nay không quá khó.
Tre thông thường có vòng đời từ 13 – 15 năm tuổi. Tùy vào thuộc tính những loài khác có thể tồn tại hàng chục năm. Để cây tre thực sự trưởng thành trong lõi cây, để cây già đi và có thể sử dụng làm nguyên liệu thì phải mất 3 năm. Một bụi tre từ khi bắt đầu trồng đến khi có thể thu hoạch sẽ phải mất từ 6 – 7 năm và để hoàn thiện thành một bụi lớn, đủ để khai thác 30% mỗi năm thì cần 9 – 10 năm.
Để lại một phản hồi